HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT VÀ ĐẤU NỐI THIẾT BỊ VÀO TỦ ĐIỆN

  1. Lắp và tháo Aptomat vào thanh ray
  • CB (Aptomat) có cơ cấu ngàm kẹp linh hoạt giúp chúng ta tháo lắp dễ dàng vào tủ điện. Ngàm kẹp vào thanh ray được thiết kế với một bên cố định và một bên cơ, có thể dùng tua vít để tháo ra.
  • Phần cố định của ngàm kẹp luôn được thiết kế nằm phía trên CB, khi lắp CB vào thanh ray ta móc phần ngàm cố định vào thanh ray sau đó dùng tay nhấn mạnh phần dưới của CB vào khi nào nghe tiếng tách là CB đã được lắp cố định vào thanh ray. Trường hợp ngàm kẹp cứng không nhấn xuống được ta dùng tua vít bật nhẹ như hình thì CB sẽ dễ dàng được lắp vào ngàm thanh ray.
  •  Khi tháo CB khỏi thanh ray ta làm theo chiều ngược lại, dùng tua vít đưa vào vị trí chốt gài phía dưới CB và bật nhẹ đồng thời dùng tay nhấc nhẹ phần đuôi CB lên và tháo ra. Như vậy đã tháo được thiết bị ra khỏi tủ điện. 

  1. Đấu nối nguồn vào tủ
  • khi đã lắp đủ CB vào tủ điện ta tiến hành đấu nối cấp điện tới các đầu CB. Tủ điện gia đình chúng ta sử dụng sẽ có 2 trường hợp.
  • Trường hợp chỉ dùng CB tổng và CB nhánh phân phối tới các thiết bị.
  • Trường hợp dùng CB tổng và RCCB (CB chống dòng dò) để bảo vệ và các CB nhánh phân phối tới các thiết bị.

LiOA sẽ cùng các bạn tìm hiểu từng trường hợp cụ thể về cách đấu nối đúng kỹ thuật.

  1. Trường hợp tủ điện dùng CB tổng và các CB nhánh phân phối, không sử dụng CB chống dòng dò 

  • Với nguồn vào 3 dây gồm dây pha (L) dây trung tính (N) và dây tiếp địa (E) ta sẽ lần lượt đấu dây L, N và đầu vào của CB tổng, còn dây tiếp địa ta sẽ đấu vào thanh domino đồng lắp sẵn trong tủ (trường hợp nguồn vào chỉ có 2 dây L, N thì chúng ta bỏ qua thanh tiếp địa).
  • Đầu ra của CB tổng với dây pha ta sẽ có thanh lược bằng đồng để cầu sang các CB đơn phân phối ra thiết bị. Để lắp thanh lược ta tiến hành cắt thanh lược sao cho vừa đủ lắp tới các CB nhánh, sau đó tiến hành mở nới lỏng tất cả các ốc siết đầu CB và lắp thanh lược bằng đồng vào rồi siết ốc với lực vừa đủ, khi nào cảm thấy vừa cứng tay là được. Thanh lược đồng ta có thể lắp phía dưới hoặc phía trên CB tùy theo nhu cầu sử dụng.
  • Dây trung tính còn lại ta đấu dây đầu ra thanh domino bằng đồng lắp sẵn trong tủ để đấu nối dây trung tính của các nhánh thiết bị vào.

Lưu ý: Trong tủ có 2 thanh domino bằng đồng để đấu nối dây trung tính và dây tiếp địa cho các nhánh thiết bị, thanh domino được lắp trên giá đỡ cách điện với vỏ tủ là thanh sử dụng cho dây trung tính (N) thanh còn lại được lắp trực tiếp vào tủ dùng để đấu dây tiếp địa cho các nhánh thiết bị và tiếp địa cho tủ (đối với các tủ được làm bằng kim loại).

  1. Trường hợp tủ điện dùng CB tổng, RCCB chống dòng dò để bảo vệ và các CB nhánh phân phối
  • Trường hợp này khi đã đấu đầu nguồn vào đầu CB tổng, đầu ra ta sẽ lần lượt đấu dây cầu sang CB chống dòng dò theo thứ tự dây L, N trên đầu ra của CB tổng vào đầu vào của CB chống dòng dò.
  • Đầu ra của RCCB chống dòng dò ta sẽ đấu tương tự như đầu ra của CB tổng trong trường hợp không sử dụng RCCB chống dòng dò.

Lưu ý: Trong trường hợp sử dụng RCCB chống dòng dò thì ta phải đấu toàn bộ đầu ra các nhánh tải vào phía sau đầu ra của RCCB chống dòng dò để được bảo vệ an toàn khi sử dụng. Tuyệt đối không đấu 1 dây L, N phía trước RCCB và dây còn lại phía sau RCCB hoặc ngược lại, như vậy thì RCCB chống dòng dò sẽ không thể hoạt động, lúc đó chúng ta đóng điện lên thì RCCB sẽ nhảy ngay lập tức vì có sự chênh lệch dòng điện đi và về.

Với hướng dẫn các bước thực hiện của 2 trường hợp trên, LiOA hi vọng các bạn đã có thể biết cách lắp ráp và đấu nối tủ điện cho gia đình mình một cách nhanh nhất và đúng kỹ thuật.